Các phương án rửa Pin tại nhà máy ĐMT Gelex Ninh Thuận

0
1365

        Trong công tác vận hành nhà máy điện mặt trời, có nhiều yếu tố có thể làm giảm năng suất của nhà máy như bóng che, nhiệt độ, độ suy giảm hiệu suất theo thời gian của thiết bị,… Yếu tố tự nhiên có thể được thay đổi từ người vận hành là yếu tố bụi bẩn làm ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi năng lượng bức xạ thành điện năng của các tấm Pin năng lượng. Việc xác định tổn thất do bụi bẩn gây ra là rất khó khăn vì có tác động của nhiều yếu tố môi trường khác nhau. Tuy nhiên, qua một số phép tính so sánh các String đã được làm sạch và String chưa làm sạch có thể đánh giá sản lượng tổn thất dao động từ 1% đến 10 % tuỳ theo mức độ bám bẩn trên tấm Pin

          Mật độ bám bẩn trên tấm Pin còn phụ thuộc vào vị trí địa lý, địa hình và yếu tố thời tiết tại từng khu vực khác nhau. Tại nhà máy ĐMT Gelex Ninh Thuận với địa hình đất pha cát và thời tiết nóng gió kết hợp với vị trí địa lý gần biển nên hiện tượng sương muối kết hợp gió bụi làm mức độ bám bẩn trên các tấm Pin rất cao. Để giải quyết bải toán nan giải này, đội ngũ Vận hành nhà máy tập trung nghiên cứu và đề xuất rất nhiều phương án rửa Pin đưa vào thử nghiệm thực tế, tuy nhiên đa số các phương án đưa vào thực tế đều không khả thi vì với số lượng khá lớn các tấm pin tại nhà máy trải đều trên mặt bằng gần 70 ha thì đa số các phương án không đáp ứng được yêu cầu về tốc độ rửa và hiệu quả làm sạch.  

          Sau nhiều phương án được thử nghiệm, nhà máy đã áp dụng hai phương pháp được đánh giá là phù hợp nhất và đáp ứng tương ứng với yêu cầu đặt ra về thời gian rửa cũng như hiệu quả làm sạch

          Phương pháp rửa Pin bằng xe tự chế:

         Mô tả: Sử dụng hai xe tự chế với mỗi xe có hệ thống cần phun nước áp lực gồm 7 bét nước, chiều dài cần phun nước 6 m. Xe chạy giữa các giàn Pin phun nước áp lực làm sạch bề mặt Pin, Trên xe có 2 thùng chứa nước với tổng dung tích 2m 3 , nước được cung cấp thường xuyên cho hai xe tự chế bằng một xe Bồn tại đầu các Pin của dãy. Hệ thống bơm nước áp lực hai xe khác nhau: Một xe sử dụng bơm thủy lực được gắn trực tiếp vào bộ phận truyền động của động cơ, một xe được gắn bơm D8 rời bên ngoài. Nhân sự thực hiện cho phương án này gòm hai nhân viên lái xe rửa Pin và một nhân viên lái xe bồn cấp nước.  

Hình ảnh xe tự chế thực hiện vệ sinh các tấm Pin

      Đánh giá hiệu quả của phương án sử dụng xe rửa Pin sau khi thời gian thực hiện:

  • Ưu điểm: Thích hợp địa hình rộng, nhân sự ít, tốc độ rửa Pin nhanh nhất so với các phương án khác (khoảng 60 giàn/1 ngày/1 xe).
  • Nhược điểm: Chỉ sử dụng được ở các khu vực giàn Pin có địa hình bằng phẳng với mật độ bụi bẩn tương đối, không rửa được các tấm Pin có độ bám bẩn nhiều, độ sạch của tấm Pin sau vệ sinh đạt khoảng 70%. Chỉ rửa được trong thời gian bức xạ thấp, xe rửa Pin được chế từ xe xúc lật đã qua sử dụng nên hay hỏng hóc, tốn chi phí bảo dưỡng, sửa chữa xe thường xuyên. 
  • Nhận xét chung: Nhìn chung qua thời gian sử dụng thực tế tại nhà máy với tốc độ bẩn rất cao thì nhận thấy đây là phương án rửa nhanh nhất, phù hợp nhất và chi phí thấp so với nhiều phương án đã triển khai thử nghiệm tại nhà máy.

Phương án vệ sinh Pin thủ công bằng chổi gắn động cơ:

      Phương án thực hiện: Sử dụng chổi có gắn động cơ (Đầu chổi cước có động cơ điện dùng Pin sạc nguồn 24VDC) để vệ sinh các tấm Pin. Hiện nhà máy có 2 loại dụng cụ vệ sinh:

  • Loại 1 mua đầu chổi trung quốc về và dùng Pin sạc tự chế: Loại này đã được sử dụng thực tế và nhận thấy khá khả thi.
  • Loại 2 dùng Pin sạc 12V tự chế toàn bộ: loại này đang trong quá trình thử nghiệm, qua thử nghiệm cho thấy tính ổn định chưa cao, nhanh hỏng, hiệu quả thấp hơn nhưng chi phí thất hơn.

Hình ảnh nhân viên thực hiện vệ sinh các tấm Pin tại nhà máy

Đánh giá phương án vệ sinh thủ công sau quá trình thực hiện:

     Loại 1: 

  • Ưu điểm: Tính linh hoạt cao, sử dụng được hầu hết các địa hình tại dự án, độ sạch tấm Pin sau vệ sinh khá tốt.
  • Nhược điểm: Vì làm thủ công nên cần lực lượng nhân sự nhiều, tốc độ rửa Pin phụ thuộc vào số lượng nhân sự, dụng cụ rửa (khoảng 10 giàn/người/1 ngày). Dụng cụ vệ sinh cần thay cước sau thời gian sử dụng (khoảng 3 lần/năm nếu sử dụng thường xuyên phương án này), độ bền của dụng cụ cần thời gian sử dụng lâu dài nên chưa đánh giá được độ ổn định.  
  • Nhận xét chung: Tiếp tục sử dụng thiết bị này cho các địa hình khó khăn mà xe rửa Pin không thể thực hiện hoặc khi cần đẩy nhanh tốc độ rửa Pin thì cho kết hợp phương án này thực hiện song song với phương án dùng xe.

Loại 2:

  • Ưu điểm: Do tự lắp đặt nên giá thành rẻ hơn so với loại 1.
  • Nhược điểm: Độ sạch thấp hơn, thời gian vệ sinh pin lâu hơn.
  • Nhận xét chung : Tiếp tục thử nghiệm hoàn thiện tối ưu các thiết bị hiện có.

Trên đây là chi tiết các phương án hiện tại Nhà máy đang áp dụng, ngoài ra còn có một số lưu ý như quy định về chất lượng nước sử dụng, quy định về tiến trình thời gian và phương pháp đánh giá để xác định khi nào tiến hành công việc rửa Pin … 

Phương án rửa Pin của NM ĐMT Gelex Ninh Thuận chắc chắn không phải là phương án tối ưu nhất, nhà máy vẫn không ngừng nghiên cứu và tìm kiếm học hỏi các phương án tốt hơn.

Nếu bạn quan tâm đến vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi để cùng nhau xây dựng các phương án tốt hơn!

 PXSX- GELEXNT

Chia sẻ