Ảnh hưởng của điện tái tạo đến sản lượng điện truyền thống

0
468

Hiện tại, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống khoảng 69.000 MW. Trong đó, riêng điện mặt trời tính đến tháng 4/2021 đã đạt 18.783 MW (9.583 MW điện mặt trời áp mái và khoảng 9.200 MW điện mặt trời trang trại). Về điện gió, hiện mới có 612 MW, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm khoảng 4.500 – 5.400 MW được đưa vào vận hành.

EVN đối thoại với các chuyên gia kinh tế về tình hình vận hành hệ thống điện trong bối cảnh bùng nổ nguồn điện tái tạo

Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, cho thấy hiện tỷ trọng năng lượng tái tạo đóng góp lên tới 60% phụ tải đỉnh vào khung giờ trưa từ khoảng 10, 11 giờ đến 14, 15 giờ chiều và được ưu tiên huy động tối đa. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia gần như phải dừng mua từ các nhà máy thủy điện vào khoảng thời gian trưa. Các thủy điện ở miền Trung và miền Nam (gần 8.000 MW) cũng phải dừng hoạt động để ưu tiên mua điện năng lượng tái tạo.

Theo kịch bản phê duyệt về khả năng cung ứng điện năm 2020, dự kiến sẽ huy động hơn 10 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo, nhưng thực tế đã khai thác lên đến 12 tỷ kWh và dự kiến trong năm 2021 tổng sản lượng khai thác từ nguồn năng lượng tái tạo sẽ lên đến 32 tỷ kWh.

Do sản lượng huy động từ nguồn năng lượng tái tạo tăng cao nên sản lượng khai thác các nguồn điện truyền thống (nhiệt điện than, thủy điện) bị xuống thấp. Điển hình như nhiệt điện than khai thác khoảng 122 tỷ kWh, giảm khoảng hơn 10 tỷ kWh so với dự kiến.  Tuy nhiên về cơ bản, hệ thống điện vẫn dựa vào nguồn truyền thống than – khí và dựa vào cân bằng cung cầu để tối thiểu hóa chi phí khi vận hành.

Ảnh hưởng của năng lượng tái tạo đến vận hành hệ thống điện đó là hiện tượng thừa nguồn, quá tải đường dây nội miền, đường dây liên kết 500kV; phụ tải chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm lớn… Do vậy, để giữ an toàn cho hệ thống lưới điện truyền tải, việc tiết giảm khả năng phát các nguồn năng lượng tái tạo là bắt buộc phải thực hiện.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng điện năng lượng mặt trời áp mái cắt giảm khoảng 447,5 triệu kWh, chiếm 13,3%. Dự kiến cả năm 2021 sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh, chiếm 9% tổng sản lượng năng lượng tái tạo.

Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, công suất cắt có vẻ nhiều nhưng sản lượng thực tế phát so với tổng công suất của các dự án thì lại rất thấp. Vì vậy, do tính chất bất định của năng lượng tái tạo nên các tổ máy điện truyền thống như than, khí, dầu phải điều chỉnh rất nhiều gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Với một dự án điện than, khí, dầu, mỗi lần tắt máy và khởi động lại như vậy chi phí lên tới cả chục tỷ đồng, chưa kể gây nguy cơ hỏng hóc, giảm tuổi thọ máy.

Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, cho thấy trong các tháng đầu năm 2021, do ưu tiên huy động nguồn năng lượng tái tạo mà các nhà máy nhiệt điện đã phải khởi động tổ máy đến hơn 334 lần. Con số này vào nửa cuối năm 2019 (thời điểm bắt đầu huy động nguồn điện mặt trời vào hệ thống) là 74 lần, vào năm 2020 là 192 lần. Tất cả các lần huy động lại nguồn điện đều có thể dẫn đến sự cố tăng nguy cơ sự cố tổ máy (như đã xảy ra với nhà máy Phú Mỹ 2.2; nhà máy Bà Rịa…).

                                                                        Kíp 03-PXSX SB4A

Chia sẻ