Phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai

0
636

Triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ” là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong chu trình phòng, chống thiên tai (PCTT), đặc biệt trong các giai đoạn ứng phó và khắc phục hậu quả. Trong PCTT, phương châm này được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng.

Phương châm 4 tại chỗ bao gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Phương châm này đã được pháp điển hóa tại Khoản 3, Điều 4, Luật PCTT. Vậy phương châm này được đặt ra từ lúc nào?

Từ nhu cầu cấp bách hộ đê

Tháng 8/1971, trận lũ lịch sử đã khiến đê tả sông Đuống tại Cống Thôn, thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) và đê Nhất Trai thuộc tuyến hữu sông Thái Bình huyện Gia Lương (Hà Bắc cũ) bị vỡ. Việc hàn khẩu đê vỡ mất rất nhiều thời gian, do không huy động đủ vật tư cần thiết.

Trước đó, năm 1967, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn có giao Cục trưởng Cục Đê điều là Nguyễn Văn Nhiên tổ chức thực tập chặn dòng Tích Giang tại địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ). Việc chặn dòng thất bại do thiếu vật tư, thiếu lao động.

Thực tế về tổ chức xử lý sự cố đê điều trong trận lũ tháng 8/1971 cũng như thất bại trong đợt thực tập chặn dòng Tích Giang, ngày 8/5/1971, thực hiện quy định của Điều lệ Bảo vệ đê điều ban hành kèm theo Nghị định số 173/NĐ-CP ngày 21/1/1963 và yêu cầu của nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, trong đó có công tác quản lý đê điều, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90-CP về việc tổ chức Đội quản lý đê. Đây là lực lượng chuyên trách hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Lực lượng này do Ty, Sở Thủy lợi các tỉnh, thành phố có đê quản lý.

Năm 1973, khi về nhận nhiệm vụ tại Bộ Thủy lợi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Bình đã yêu cầu khẩn trương triển khai xây dựng hệ thống kho vùng để dự trữ vật tư phòng, chống lụt bão. Các kho này phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc chuyển vật tư đi nhiều địa bàn được thuận lợi và, các kho này đặt tại các tuyến đê.

Vật tư dự trữ cho công tác phòng, chống lụt, bão bao gồm: Rọ thép, dây thép, bao tải, cừ thép, cuốc, xẻng, đèn bão, đá răm, đá hộc, cát vàng, sỏi… Những loại vật tư này được mua sắm từ ngân sách. Để huy động các nguồn lực cho công tác hộ đê, các địa phương yêu cầu các hộ dân ở các địa bàn ven đê chuẩn bị tre, rong rào… các xã có trách nhiệm kiểm tra, thống kê số lượng và giao hộ gia đình tự bảo quản tại vườn.

Các hoạt động này thực chất là thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chủ yếu tập trung cho công tác đê điều. Cụ thể, 4 tại chỗ được tập trung cho việc chuẩn bị phương án hộ đê với các nội dung chính là vật tư, phương tiện; nhân lực; tổ chức chỉ huy và các điều kiện bảo đảm hậu cần để thực hiện phương án hộ đê. Cụm từ “hậu cần” trong phương châm 4 tại chỗ ở thời kỳ này được hiểu theo nghĩa hẹp, đó là chuẩn bị công tác hậu cần để bảo đảm sức khỏe cho lực lượng thực hiện phương án.

Nhờ chủ động về vật tư, nhân lực, phương tiện, thiết bị với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các lực lượng và sự chỉ đạo kiên quyết tại hiện trường đã xử lý thành công sự cố lớn như sự cố cống Nội Doi đê hữu sông Cầu huyện Quế Võ (Hà Bắc) và sự số cống Số 1 trên đê hữu sông Cầu huyện Phổ Yên (Bắc Thái cũ) trong trận lũ cao năm 1986.

Không chỉ là “hậu cần” trong PCTT

Có thể nói phương châm 4 tại chỗ thời kỳ 1972 – 1999 đã mang lại hiệu quả trong công tác hộ đê phòng lụt. Từ năm 1972 đến năm 1999, qua các mùa lũ, nhiều sự cố đã được phát hiện và xử lý thành công, bảo đảm an toàn cho các tuyến đê sông chính từ cấp 3 đến cấp đặc biệt.

Tuy nhiên, phương châm này tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh có đê. Hầu hết các địa phương chưa có hoặc không có đê không triển khai phương châm 4 tại chỗ. Vì thế, trận mưa lũ lịch sử trên diện rộng xảy ra tại các tỉnh duyên hải miền Trung năm 1999 đã gây ngập lụt trên diện rộng, nhiều khu vực bị chia cắt; việc tổ chức cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt là việc cung cấp nhu yếu phẩm, lũ cao kéo dài, nhiều khu vực dân cư bị chia cắt, cô lập, tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm xuất hiện ở nhiều địa bàn. Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ Quốc phòng tổ chức lập cầu Hàng không để vận chuyển hàng cứu trợ đến các địa phương.

Trận lũ lịch sử năm 1999 thông qua công tác cứu trợ cho thấy, nhu yếu phẩm là một trong những hàng hóa thiết yếu cần được chuẩn bị khi thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong ứng phó thiên tai ở những vùng ngập lụt. Ứng phó, khắc phục hậu quả trận lũ lịch sử năm 1999, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và tình cảm, trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cả cộng đồng đối với đồng bào vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, PCTT ở giai đoạn này mặc dù mang lại hiệu quả, nhưng cũng phản ánh một thực tế là chúng ta vẫn ứng phó bị động khi xảy ra thiên tai. Từ thực tiễn ứng phó, khắc phục hậu quả đợt lũ lịch sử xảy ra tại các tỉnh Duyên hải Trung Trung Bộ cho thấy, phương châm 4 tại chỗ ban đầu tập trung cho công tác hộ đê, đến giai đoạn này cần phải được bổ sung, hoàn thiện, đa dạng hóa cho phù hợp với đặc thù về thiên tai ở từng vùng, đồng thời chủ động triển khai ngay ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực và mọi địa phương, phương châm này được chuẩn bị sớm, chủ động từ giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả rất cao khi các tình huống thiên tai xảy ra.

Cũng từ thực tiễn cho thấy, phương châm 4 tại chỗ khi mới hình thành, cụm từ “hậu cần” được hiểu theo nghĩa hẹp, đến nay cũng cần được thay đổi sang nghĩa rộng. Theo cách hiểu mới, “hậu cần” là công tác bảo đảm về nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống khắc phục hậu quả của các loại hình thiên tai.

                                                                        ST Kíp 03: PXSX SB4A

Chia sẻ